cart.general.title

Nông nghiệp - nông dân thông minh: Đông Nam Á học từ Israel

Công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương

Israel đã vượt qua hàng loạt thách thức nghiêm trọng, như khan hiếm nước và điều kiện đất đai nghèo nàn, để trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Hiện tại, đây là quốc gia có năng suất sữa bò cao nhất thế giới (trung bình 13.000 lít/năm so với 6.000 lít/năm của châu Âu); năng suất cà chua cao nhất (300 tấn/ha so với 50 tấn/ha của thế giới) và mức thất thoát ngũ cốc sau thu hoạch thấp nhất (0,5% so với 20% của thế giới).

Các công ty công nghệ nông nghiệp Israel đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang Đông Nam Á trong bối cảnh các quốc gia như Philippines và Thái Lan hướng về Trung Đông để tìm kiếm giải pháp cải thiện năng lực sản xuất lương thực.

Theo báo Nikkei Asia (Nhật Bản), công nghệ nông nghiệp Israel đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Đông Nam Á thông qua các chương trình phát triển nông nghiệp song phương.

Quốc gia Trung Đông này đã mở rộng hợp tác với Thái Lan bằng việc khai trương nhà kính trồng trọt thứ hai ở tỉnh Petchburi vào tháng 10-2020, sau khi khai trương thành công cơ sở thứ nhất vào năm 2018.

Trong khuôn khổ của dự án này, Israel cung cấp cho Thái Lan hệ thống tưới phun được thiết kế để bảo đảm sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững, đồng thời cử phái đoàn chuyên gia hỗ trợ nông dân Thái Lan ứng dụng công nghệ trồng trọt.

"Israel thường cung cấp công nghệ, có thể là hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt lọc tốt hơn, có thể là hệ thống thẩm thấu ngược hiện đại giúp sử dụng nước hiệu quả hơn, ít tiêu hao năng lượng hơn" - Đại sứ Israel tại Singapore Sagi Karni khẳng định.

Ông đồng thời cho biết Israel có khoảng 600 công ty công nghệ nông nghiệp và thực phẩm, bao gồm hàng loạt công ty có thể tinh chỉnh giải pháp để phù hợp với điều kiện canh tác của các quốc gia khác.

Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng đối với Đông Nam Á, nơi lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm đóng góp tổng cộng 717 tỉ USD cho Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam vào năm 2019 - tăng 30% so với hồi 2015, theo Công ty Tư vấn Oxford Economics (Anh).

"Để Đông Nam Á trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau đại dịch, các nhà hoạch định chính sách cần tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để ngành nông nghiệp thực phẩm tự tái thiết hiệu quả" - chuyên gia James Lambert của Oxford Economics khẳng định.

Trích nguồn báo Người Lao Động: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nong-nghiep-nong-dan-thong-minh-dong-nam-a-hoc-tu-israel-20211214200220096.htm?fbclid=IwAR3um8TEYj9CM3AfQKpJjw-Qb1F9sN4GC8izKNEDVrHOuLZ0NSdB8zy0x8E